Mỗi thành phố ở Việt Nam là cả một thế giới thu nhỏ của những không gian cà phê đa sắc màu, đa phong cách. Hãy cùng Nghệ thuật vào Bếp khám phá một vài quán cà phê thú vị, đặc trưng cho mỗi điểm đến mà bạn không thể bỏ qua khi dừng chân ghé lại nhé:
1- L’Usine – Đông Dương, một thời để nhớ
Đi thẳng đường Đồng Khởi, đến gần Nhà hát Lớn Thành phố, băng qua các trung tâm thời trang, bạn sẽ bắt gặp một cổng vòm ố vàng treo đầy tranh như một gallery. Đừng vội quay ra khi đến cuối đoạn đường, mà tiếp tục bước qua khỏi cánh cửa cuối cổng vòm, một khu phố nghệ thuật sáng tạo hiện ra khiến bạn ngạc nhiên.
Như chiếc hang kiến, sau chiếc cửa nhỏ là một thế giới được kiến trúc tinh vi, phức tạp. Càng đi vào trong, bạn sẽ càng trầm trồ trước sự kết hợp, tận dụng không gian vô cùng khéo léo. Được biết đến như một “trụ sở” của cộng đồng yêu thích ngành thiết kế, sáng tạo với khu tích hợp nhà hàng – cafe, triển lãm nghệ thuật và trưng bày thời trang, quán cà phê mang đậm kiến trúc Pháp L’Usine nằm ở lầu 1 chung cư đường Đồng Khởi.
Ngay lối vào cầu thang là gallery tranh chép, tranh lưu niệm và shop thời trang. Không gian mang đậm nét kiến trúc Pháp, từng được xếp vào danh sách các quán cafe sáng tạo nhất thế giới, điểm thu hút của quán không chỉ là bộ sưu tập đồ cổ dày công với những đôi dép xỏ quai Brazil, máy ảnh Lomo… Nơi đây còn lôi kéo bước chân của những người sành ăn bởi các món bánh home-made dậy mùi phô mai, hay một đĩa thức ăn với bánh mì, salad, spaghetti được trang trí tinh tế.
L’Usine
Tầng 1, 151/5 Đồng Khởi, Q.1, TP. HCM
Tel: 028 6674 9565
2- Cafe RuNam – Khoảng lặng giữa phố
Café RuNam đem đến một khoảng lặng giữa những ồn ã náo nhiệt của một thành phố bận rộn. Được thiết kế theo concept riêng, RuNam khiến những ai mới đặt chân đến phải ngạc nhiên trước sự tỉ mỉ trong các chi tiết trang trí và thiết kế. Mang âm hưởng cổ điển của phố Âu kết hợp nét mộc mạc Việt Nam, từ khối đá, dàn đèn, đến những hộp quà bằng gỗ và sơn mài hay chiếc tách bằng gốm cổ Đồng Gia, RuNam đem đến một góc rất riêng tư cho những cuộc trò chuyện thân mật.
Café RuNam nổi tiếng bởi chất lượng cà phê đặc trưng được chọn lọc từ các loại hạt cà phê khác nhau trên khắp các vùng miền của Việt Nam. Điểm nhấn thú vị tại đây là tảng đá bazan mang về từ cao nguyên, không gian sinh tồn của cây cà phê. Một buổi chiều cuối tuần, hãy thả mình bên chiếc chụp đèn thêu tay và ly cà phê đen đắng đậm mùi Robusta, tặng cho mình một khoảng lặng của Sài Gòn giữa những năm 1960.
Cafe Runam
96 Mạc Thị Bưởi, Q.1, TP.HCM
202 Pasteur, Q.3, TP.HCM
65 Lê Lợi, Q.1, TP.HCM
Website: www.caferunam.com
3- Khanhcasa Tea House – Khu vườn xanh lãng mạn
Tọa lạc tại những vị trí đắc địa của thành phố, Khanhcasa Tea House thu hút bởi không gian màu bạc hà mát dịu nằm giữa khu vườn thiên nhiên xanh mát với nhiều kiểu ghế thư giãn. Là ngôi nhà của những buổi tiệc trà cổ điển, Khanhcasa Tea House giới thiệu phong cách thưởng trà thanh lịch qua sự chăm chút trong những món đồ nhỏ: từ bộ tách làm từ sứ xương bone china – loại sứ được xem là đẳng cấp cao trong các dòng sứ, đến khăn bàn thêu tay, lọc trà thủy tinh chế tác thủ công.
Với những ai sành trà, danh mục hơn 365 loại trà đa dạng từ Việt Nam tới các loại trà nhập khẩu ở khắp nơi trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Mỹ… tại đây chính là “thư viện” trà. Ở đó là cả thế giới khác biệt và độc đáo để những người bạn cùng chia sẻ câu chuyện về văn hóa, cuộc sống.
Khanhcasa Tea House
48 – 50 Đồng Khởi, Q.1, TP. HCM
L2 – 01 Saigon Centre, 65 Lê Lợi, Q.1, TP. HCM
4- Café Giảng – Nơi Hà Nội nhuốm màu thời gian
Ở Hà Nội, trong vô vàn quán cà phê với đủ phong cách, đủ hình dáng, người ta vẫn thường tìm cho mình những thói quen xưa cũ, những quán cà phê truyền thống mang hơi hướng của lịch sử. Một trong số đó là Café Giảng. Từ không gian quán cho tới hương vị của cà phê gửi gắm trong đó làm cho người ta gợi nhớ về một Hà Nội cổ kính, thanh lịch qua những dấu vết thăng trầm của thời gian.
Giảng cafe chính là địa điểm không thể tuyệt vời hơn để du khách tìm hiểu về văn hóa ẩm thực của người Hà Nội qua những tách cà phê trứng nóng hổi, thơm ngon, đậm đà. Đây là một trong những thương hiệu cà phê lâu đời nhất ở Hà Nội được sáng lập bởi cụ Nguyễn Văn Giảng – người từng là nhân viên pha chế ở khách sạn Metropole thời Pháp. Món cà phê trứng nổi tiếng ở Giảng đã được cụ biển thể từ thức uống capuchino khi còn làm ở Metropole thời ấy. Từ cà phê trứng, ca cao trứng, cà phê trứng đậu xanh, cho đến cả Rum trứng cà phê, bia trứng, và cả biến tấu với matcha trứng cho kịp thời, tất cả thức uống vẫn được làm với nguyên liệu chủ đạo từ trứng.
Cà phê trứng càng thơm ngon, đặc biệt hơn nếu thưởng thức trong cái giá lạnh của mùa đông Hà Nội. Cà phê bưng ra còn nóng hổi nên cần thưởng thức ngay để cảm nhận từng chút cà phê đắng trong miệng, tan lẫn giữa vị trứng thơm bùi, béo ngậy. Nếu sợ đắng vị cà phê, bạn có thể đổi qua nhâm nhi một ly ca cao trứng thơm phức, dành cho những tín đồ hảo ngọt.
Café Giảng
39 Nguyễn Hữu Huân, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
5- Café Lâm – Cà phê và tranh cổ
Café Lâm có hai cơ sở tại Hà Nội, song quả thực tôi vẫn thích lựa chọn chỗ ngồi bên ngoài, dưới mái hiên ngôi nhà cổ, nhâm nhi tách cà phê và ngắm dòng người qua lại. Dù nằm ở con phố đông đúc nhất trung tâm, song khi bước chân vào quán, bạn lại không hề có cảm giác vội vã, bon chen của cuộc sống thường ngày. Ấy phải chăng là bởi những bức tranh cổ ấn tượng về con người và phố phường Hà Nội, những bức chân dung tự họa kèm bút tích của các danh họa Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, các nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ như Văn Cao, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Thế Lữ…
Ra đời năm 1952 ở vườn hoa Chí Linh, café Lâm lấy tên từ chính tên chủ nhân đầu tiên là cụ Nguyễn Văn Lâm. Đến năm 1960, quán chính thực tọạ lạc tại Nguyễn Hữu Huân như bây giờ. Công thức rang xay cà phê mộc 100% vẫn được truyền lại qua các thế hệ, để đảm bảo hương vị cà phê có nét riêng. Chẳng thế mà Hugo, người bạn Anh của tôi, mới quyết định vượt cả nghìn km tới Việt Nam chỉ để thưởng thức hương vị cà phê trứ danh này!
Café Lâm
60 Nguyễn Hữu Huân, Hoàn Kiếm, Hà Nội
91 Nguyễn Hữu Huân, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Café Mê Linh – Lên Núi Uống Café Chồn
Nằm ở ngoại ô thành phố, cách trung tâm hơn 20km, để đến đây, bạn sẽ băng đèo Tà Nung, đến vườn tam giác mạch của chùa Vạn Đức, và những cung đường cực đẹp phủ đầy thông xanh. Sau đó bạn sẽ đến Mê Linh Garden Coffee, một đồn điền nhỏ giữa nông thôn Đà Lạt. Từ không gian quán cà phê, bạn có thể thoải mái ngắm nhìn 360 độ phong cảnh toàn thành phố Đà Lạt với hồ đập Cam Ly ngay trước mặt. Phía xa xa là khu rừng cây lá kim nằm len lỏi giữa những triền núi. Còn ngay dưới chân bạn là cả một trang trại cà phê.
Café Mê Linh thu hút bởi chất lượng cà phê nguyên chất, đặc biệt cà phê chồn. Tại đây bạn có thể gọi một ly cà phê thuần từ hạt Robusta hay Arabica, quan sát quy trình rang xay cà phê. Nếu thích, bạn có thể đi dạo tự do quanh khu đồn điền, quan sát những chú chồn ngủ gà gật, tay ôm hạt cà phê đỏ ửng, thậm chí tìm hiểu cách phơi khô phân chồn để thu lấy hạt. Điểm đặc biệt như ở hầu hết các nông trại cà phê Đà Lạt, ở đây họ luôn phơi nắng hạt một cách tự nhiên, như vậy, hạt cà phê mới thơm và cho vị nồng hậu. Thưởng thức ly cà phê nâu đá đậm đà ngay giữa triền cao nguyên, tại sao không?
Mê Linh Coffee Garden
Tổ 20, thôn 4, xã Tà Nung, Đà Lạt, Lâm Đồng.
Café Cực Bắc – Cà phê Của Người Lô Lô
Là quán cà phê duy nhất nằm trên bản Lô Lô Chải của Hà Giang, như tên gọi của mình, Café Cực Bắc nằm ở cực Bắc Việt Nam, cách cột cờ Lũng Cú khảng 1,4km và cách cột mốc giáp ranh tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chưa đến 1km.
Men theo con đường đất lên đến nơi cao nhất trên bản đồ Việt Nam, đi qua cánh cổng gỗ nhỏ dẫn đến café Cực Bắc, đây có lẽ là nơi duy nhất của Việt Nam bạn nhâm nhi ly cà phê khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, thậm chí còn lạnh hơn khi mùa đông đến. Nằm bên cao nguyên đá Đồng Văn, dưới chân núi Long Sơn, café Cực Bắc là trạm dừng chân quen thuộc của những ai đam mê du lịch khám phá.
Đây vốn là gian nhà truyền thống của người Lô Lô được xây từ đất sét với gian bếp đỏ, thịt gác bếp, bọn nhỏ chạy nhảy quanh sân, con mèo nhỏ rúc trong xó… Café Cực Bắc nhỏ, cũng chẳng phong phú lựa chọn, quanh đi quẩn lại chỉ cà phê, trà xanh và rượu ngô. Nhưng tặng cho mình một ly cà phê trên cực Bắc đất nước, hay nhâm nhi ly rượu ngô lên men từ nước suối đầu nguồn núi là trải nghiệm thú vị không gì sánh bằng.
Café Cực Bắc
Lô Lô Chải, Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang.
Hue Café Rostery – Ấn tượng không gian cà phê nhà xưa Huế
Tọa lạc trên con phố cổ sầm uất bậc nhất thành Huế xưa, đối diện là con sông trải dài tĩnh lặng, Hue Café Rostery nép mình trên tầng 2 một căn nhà kiểu cũ của Huế. Con đường nhỏ dẫn lên quán cà phê thoang thoảng mùi trầm hương lâu đời như chính vẻ cổ kính của căn nhà.
Không gian Hue Café Rostery đậm chất Huế xưa với những bộ bàn ghế gỗ có thâm niên hay những ô cửa sắt hoa văn đầy nghệ thuật được xem là chuẩn mực của kiến trúc nhà xưa.
Điểm đặc biệt níu chân khách đến đây chính là loại cà phê đặc biệt được xay hoàn toàn thủ công để cho ra đời hương vị cà phê truyền thống không nhầm lẫn với bất kỳ đâu. Nhiều người đến và thưởng thức vẫn không ngớt lời ca ngợi đây chính là loại “Cà phê hảo hạng đậm hương vị truyền thống”.
Ngồi bên ban công Hue Café Rostery trong một buổi chiều hoàng hôn, ngắm nhìn dòng người xuôi ngược, thỉnh thoảng đâu đó lại cất lên tiếng rao của những gánh hàng rong, bạn sẽ mình như được sống lại những cảm xúc thân quen, một Huế quá đỗi bình yên và sâu lắng.
Hue Café Rostery
Tầng 2 – 131 Huỳnh Thúc Kháng, TP. Huế
Café 79 – Có một góc Đà Nẵng bình dị
Giữa sự đổi thay từng ngày của Đà Nẵng, đâu đó vẫn còn lưu giữ những nét bình dị vốn có như chính quán Café 79 đã tồn tại gần suốt 30 năm. Quán nằm trên con đường sầm uất vào hạng nhất nhì ở Đà Nẵng nhưng lúc nào cũng bình yên, mặc kệ xô bồ chốn phố xá đông đúc.
Café 79 ấn tượng bởi giàn hoa giấy phủ xanh cả lối đi, điểm xuyết vài bông hoa li ti, tấm bảng hiệu mộc mạc được vẽ từ rất lâu vẫn còn nguyên vẹn. Căn nhà nhỏ được thiết kế theo kiến trúc Pháp với bờ tường thấp màu vàng hoài cổ, những cánh cửa vàng khép kín chỉ để vài tia nắng lướt qua.
Khách có thể chọn ngồi phía ngoài trời hoặc trong nhà, trên những bộ bàn ghế con con, tán gẫu cùng bạn bè hay đơn giản chỉ là ngắm nhìn đường phố. Trên nền nhạc nhẹ, vang lên âm thanh của tiếng đánh đường trong ly cà phê sớm, tiếng người cười nói râm ran hoặc tiếng còi xe ngoài phố.
Buổi sáng đến đây, hãy cảm nhận không khí trong lành của thành phố biển xinh đẹp và tự thưởng cho mình một ly cà phê sữa nóng đặc trưng để cảm thấy mọi phiền muộn như tan biến, trôi vào hư không.
Café 79
107 Hoàng Diệu, TP. Đà Nẵng
Reaching Out Tea House – Vẻ đẹp của sự tĩnh lặng
Nằm trong một căn nhà cổ Hội An, quán trà Reaching Out mang trong mình sự mộc mạc, hoài cổ vốn có. Với tinh thần “Vẻ đẹp của sự tĩnh lặng”, ngay khi bước chân vào đây, bạn sẽ bị bất ngờ bởi không gian yên tĩnh đến lạ thường.
Đội ngũ nhân viên tại Reaching Out là những người khiếm thính nên mọi giao tiếp ở đây sẽ được truyền đạt bằng một cách rất độc đáo. Trên mỗi bàn được đặt một khay gỗ nhỏ, bên trên đựng một tập giấy, bảy miếng gỗ nhỏ có ghi những từ khóa phổ biến trong việc phục vụ cùng hai cây bút chì. Khách đến quán sẽ gọi đồ bằng cách ghi những gì mình mong muốn lên trên giấy hoặc khi cần gọi thêm nước hay thanh toán, bạn chỉ cần đặt miếng gỗ có ghi sẵn lên bàn, nhân viên đi qua và sẽ mang đến những gì bạn yêu cầu.
Reaching Out Tea House sở hữu không gian phía trong nhà với những bộ bàn ghế gỗ thô mộc, hai ô cửa sổ lớn cạnh cửa ra vào là vị trí “đắc địa” vì tại đây bạn có thể nhìn ngắm phố cổ đẹp hút hồn cùng dàn hoa giấy rợp trời trước mắt. Hoặc bạn có thể chọn ngồi tại khoảng sân vườn phía sau đẹp như tranh vẽ tràn ngập cây xanh và ánh nắng chan hòa. Còn có thú vui nào tao nhã hơn là ngồi thưởng thức tách trà thảo mộc và hòa mình cùng thiên nhiên.
Reaching Out Tea House
131 Trần Phú, Hội An
U Café – Ngôi nhà sinh thái Việt – Nhật
Chọn vị trí cách xa phố cổ, quán café U của bà Usuda Reiko (nguyên Tổng thư ký Hội hữu nghị Nhật-Việt của TP.Kawasaki, Nhật Bản) được nhiều du khách biết đến là “ngôi nhà xanh”. Kiến trúc ngôi nhà được xây nên bởi những nguyên liệu chính từ gạch, gỗ, tre. Thiết kế bên trong cũng theo xu hướng kiến trúc xanh hiện đại, thân thiện với thiên nhiên, và đậm chất Nhật Bản. Cùng với đó là trường phái ẩm thực pha trộn (fusion food) và nghi lễ cứ thấy khách vào là cúi người xuống chào theo đúng kiểu Nhật.
Điểm đặc biệt ở đây chính là hệ thống lọc nước thân thiện với môi trường. Tuân thủ nguyên tắc “cân bằng xã hội và môi trường”, U café trang bị một hệ thống cống sinh thái học kết hợp với việc tổ chức thường kỳ các bài kiểm tra chất lượng về nước, nên vấn đề an toàn vệ sinh rất đảm bảo.
Café U được bình chọn là một trong những nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất ở Hội An chính bởi vẻ đẹp yên bình từ dòng sông Hoài phía trước. Bất cứ thời gian nào ở đây cũng có vẻ đẹp riêng của nó. Bạn có thể tận hưởng sự thanh nhàn bằng cách thả mình trên những chiếc ghế mây trên hồ sen mát rượi, đọc một cuốn sách và cảm nhận Hội An theo một cách rất riêng.
U CAFE
120 Huyền Trân Công Chúa, Thanh Nam, Hội An
Chuồn chuồn Coffee – Cà phê trên cao
Cà phê Chuồn Chuồn được ví như “Đỉnh của Dương Đông” bởi vị trí đắc địa mang đến toàn cảnh trung tâm thị trấn. Quán tạo ấn tượng với du khách nhờ không gian rộng rãi, xanh mát và góc nhìn đẹp.
Đồ uống ở đây phong phú với thực đơn riêng cho ban ngày và tối, giá trung bình từ 35.000 – 40.000 đồng. Từ quán cà phê, bạn có thể phóng tầm mắt ra xa để ngắm biển, trời, sông, núi Phú Quốc. Quán nằm trên cao, biển chỉ dẫn từ ngoài đường lại khá nhỏ nên hơi khó tìm. Vì thế, bạn chú ý đi từ trung tâm thị trấn vào khi đến khách sạn Sao Mai thì rẽ vào con đường đất đỏ và đi thẳng lên sẽ tới quán.
Chuồn chuồn Coffee
Đồi Sao Mai, 69 Trần Hưng Đạo, Dương Đông, Phú Quốc
1 thought on “Những không gian cafe khó có thể bỏ qua khi đến Việt Nam”